Với bàn tay đạo diễn của NSND Trịnh Kim Chi, là nữ nghệ sỹ đã nhiều lần thành công trong việc dàn dựng các vở kịch nói được trình diễn trên sân khấu kịch. Về đề tài truyền thống cách mạng và đây là vở thứ 3 mang tên Ngày Ấy Cổng Trời sau 2 vở diễn Rặng Trâm Bầu và Hai Người Mẹ.
Đạo diễn - NSND Trịnh Kim Chi
"Ngày Ấy Cổng Trời" được đánh giá là một tác phẩm để lại ấn tượng mạnh mẽ, thấm đẫm tình cảm và lòng biết ơn đối với những người đã ngã xuống vì Tổ quốc. Đạo diễn Trịnh Kim Chi chia sẻ rằng quá trình dàn dựng đã khiến chị và các diễn viên nhiều lần bật khóc trước hình ảnh những cô gái TNXP dũng cảm hy sinh ở tuổi đôi mươi.
Poster vở kịch "Ngày Ấy Cổng Trời"
Trong không khí trang nghiêm chào đón 50 năm ngày Đại thắng mùa Xuân, vở kịch "Ngày Ấy Cổng Trời" của tác giả Nguyễn Kháng Chiến là một tác phẩm đầy xúc cảm và tự hào. Được dàn dựng để tham gia Liên hoan Sân khấu TP.HCM năm 2024, vở diễn là hành trình tái hiện lại những hy sinh và cống hiến của Thanh niên xung phong (TNXP) Việt Nam trong công cuộc chiến đấu bảo vệ và thống nhất đất nước.
Trong suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, lực lượng TNXP Việt Nam đã đồng hành cùng quân đội và nhân dân, tạo nên những kỳ tích chiến thắng lịch sử. Họ không ngại khó khăn, hiểm nguy, có mặt trên mọi chiến trường để xây dựng và bảo vệ các tuyến đường huyết mạch, vận chuyển hàng triệu trang thiết bị, thuốc men và quân trang. Hình ảnh của những thanh niên trẻ tuổi, sẵn sàng hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc trở thành biểu tượng đẹp trong ký ức của dân tộc.
Vở diễn xoay quanh câu chuyện của Phúc (do NS Đào Vân Anh thủ vai), một cô gái trẻ đầy nghị lực, luôn mang nỗi niềm gánh nặng của gia đình. Khi còn nhỏ, cha của Phúc, ông Đức (một nhân vật có quá khứ phức tạp), đã bỏ gia đình từ ngày hòa bình mới lập lại. Tin đồn về cha cô là một "ác ôn" ở miền Nam khiến gia đình Phúc chịu nhiều sự khinh rẻ và ghẻ lạnh từ làng xóm. Với quyết tâm rửa nỗi nhục cho gia đình, Phúc đã khai gian tuổi để tham gia TNXP, bất chấp mọi hiểm nguy nơi chiến trường ác liệt tại Cổng Trời, để khẳng định lòng trung thành với quê hương, gia đình.
Trong những giây phút sinh tử, Phúc gặp lại cha mình là ông Đức, người hiện là một chiến sĩ tình báo cao cấp, hoạt động lâu năm trong lòng địch. Cuộc gặp gỡ đầy nghẹn ngào giữa hai cha con diễn ra ngay trên chiến trường ác liệt, khi Phúc hy sinh thân mình để bảo vệ ông Đức khỏi một trái bom rơi. Đất nước thống nhất, nhưng tin tức về Phúc và ông Đức vẫn bặt vô âm tín, để lại nỗi đau, sự chờ đợi trong lòng người thân yêu nơi quê nhà.
Đặc biệt, diễn viên mới Yali Trần, học viên từ lớp Diễn viên Doanh nhân do NSND Trịnh Kim Chi giảng dạy, đảm nhiệm vai bà Lành, mẹ của Phúc. Đây là một vai diễn đòi hỏi chiều sâu nội tâm, khi bà Lành phải đối diện với nỗi đau mất mát và niềm tự hào về đứa con duy nhất. Mặc dù còn mới trong nghề, Yali Trần đã thể hiện vai diễn một cách chân thật, chạm đến trái tim khán giả. Bên cạnh đó, các nghệ sĩ kỳ cựu như Phương Bình, Trọng Hiếu, Lê Chi Na và Thanh Sơn cũng góp phần tạo nên sự thành công của vở kịch qua những vai diễn đầy xúc động và chân thật.
Sau Liên hoan Sân khấu TPHCM 2024, "Ngày Ấy Cổng Trời" dự kiến sẽ được biểu diễn thêm nhiều suất để lan tỏa những giá trị lịch sử và tinh thần yêu nước. Đây không chỉ là một tác phẩm nghệ thuật, mà còn là lời nhắc nhở về những hy sinh và mất mát của hàng triệu người con đất Việt để có được hòa bình, tự do ngày hôm nay.
Được biết, vở diễn đã hoàn thành phần phúc khảo với sự khen ngợi từ Hội đồng nghệ thuật. Mặc dù gặp nhiều khó khăn trong khâu dàn dựng do thời gian gấp rút và số lượng diễn viên đông, đạo diễn cùng ê-kíp đã dốc hết tâm huyết, ngày đêm tập luyện để mang đến một tác phẩm xuất sắc.
"Ngày Ấy Cổng Trời" không chỉ là một vở diễn mà còn là lời tri ân và niềm tự hào về những anh hùng thầm lặng, những người đã cống hiến cả cuộc đời mình cho nền độc lập, tự do của dân tộc. Đây sẽ là một tác phẩm ghi dấu ấn khó phai trong lòng khán giả yêu mến sân khấu cách mạng.
Theo Minh Anh Báo giáo dục