Năm tháng tù đày và phút giây lịch sử ngày 30/4/1975 trong ký ức NSƯT Phi Điểu

NSƯT Phi Điểu đã có những năm tháng tuổi trẻ oanh liệt: từ hoạt động cách mạng bí mật, bị tù đày tra tấn, đến xa quê hương và vỡ òa cảm xúc khi đất nước thống nhất.

Con đường cách mạng từ thuở thiếu thời

Cơ duyên tham gia cách mạng của NSƯT Phi Điểu gắn liền với gia đình và môi trường sống. Sinh ra trong một gia đình có truyền thống yêu nước, từ nhỏ bà đã được hun đúc tinh thần cách mạng và chứng kiến cha cùng nhiều người thân hoạt động cách mạng.

Untitled 7.jpg

 

NSƯT Phi Điểu trải qua những năm tháng tù đày khắc nghiệt nhưng không bao giờ khuất phục.

NSƯT Phi Điểu hát bài "Chú ếch con":

Năm 1945, gia đình bà hoạt động cách mạng ở Campuchia. Do chiến sự phức tạp, gia đình bà về quê nội ở Đồng Tháp và tham gia phong trào Việt Minh. Cha bà được bổ nhiệm làm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Hành chính Nam Bộ của xã Tân Phú Trung. Dù mới 13-14 tuổi, bà đã rất nhanh nhẹn hay chạy đưa thư hay tài liệu liên quan đến hoạt động cách mạng.

Từ năm 1949-1950, địch càn quét căng thẳng, các cơ quan của Trung ương cục phải di chuyển qua vùng Bạc Liêu. Lúc đó, NSƯT Phi Điểu được phân công làm công tác dịch mật mã hoặc đánh mọn (giao, nhận, chuyển, phân lại, xử lý các công văn, tài liệu, thư từ khối lượng nhỏ lẻ) cho cơ quan bưu cục. 

Khi đang làm việc thuận lợi, một số cơ quan của Campuchia có người đầu hàng, các tổ chức của Việt kiều hoạt động cách mạng ở Campuchia bị bắt. Do thiếu nhân sự, cấp trên phân công bà qua Campuchia làm việc.

Ban đầu, bà làm việc tại cơ quan ngân khố gần 1 năm, sau đó làm phiên dịch viên nhờ biết tiếng Pháp và tiếng Campuchia. Hoạt động được khoảng 2 năm, tổ chức bị theo dõi và bà bị bắt.

Những năm tháng tù đày khắc nghiệt

Khi bị bắt tại Campuchia, NSƯT Phi Điểu khai mình là người Campuchia và ở đợ cho căn nhà mà bà đang sống. Thực ra, đó là nhà người cậu ruột đang làm việc cho Pháp. Cách khai báo này giúp bà tránh được nhiều rắc rối cho gia đình.

Tuy nhiên, sau một thời gian, khi nhiều người bị bắt thêm, địch phát hiện mối liên hệ và biết được bà không phải là người Campuchia mà là người Việt Nam đang hoạt động cách mạng.

"Tôi bị bắt và ở tù trên đất Campuchia được khoảng 1 năm. Sau đó, địch chuyển tôi về Sài Gòn để trao đổi tù binh. Vì tôi là người Việt nên được đưa về Sài Gòn trong lần trao đổi tù binh ấy", NSƯT Phi Điểu nhớ lại.

Tại Sài Gòn, bà bị đưa đến nhà tù của thực dân Pháp. Vừa xuống xe, địch lập tức cạo một nửa đầu tóc của bà, để nếu có trốn ra ngoài tù nhân cũng dễ dàng bị nhận dạng. Suốt thời gian ở trong tù, bà chỉ biết nuốt nước mắt vào trong.

NSƯT Phi Điểu chia sẻ rằng các nhà tù đều "không thể chịu đựng nổi", giống nhau như đúc về cách đối xử với tù nhân, mục đích chính là lấy được thông tin.

PhiDieu01.jpg

Nghệ sĩ Phi Điểu đi tù tại Campuchia và Sài Gòn, chịu tra tấn dã man nhưng kiên cường không khai báo, giữ vững lập trường cách mạng.

"Chúng có nhiều hình thức tra tấn. Có khi chúng cho uống nước có pha xà bông, nước tiểu, đổ nước sôi lên người rồi đạp lên bụng khiến người tù đau đớn tột cùng. Hoặc có khi chúng tra tấn bằng điện, bằng roi, những lần như vậy diễn ra thường xuyên trong tù", bà kể với VietNamNet.  

Qua những đau đớn ấy, bà rút ra bài học về cách đối phó với tra tấn. Bà tin rằng, nếu địch đánh mình 10 lần mà không khai, nhưng đến lần thứ 11 quá đau đớn không chịu nổi mà khai ra coi như đã "mở cửa" cho địch vào. Từ đó, chúng tiếp tục tra tấn bằng mọi giá để khai thác đến tận gốc rễ.

"Vì vậy, nếu đã quyết không khai, phải giữ vững lập trường đó. Đau đớn đến đâu cũng chỉ một lúc thôi. Nếu đã khai một lần, coi như bỏ hết. Nếu qua được cửa ải đó, coi như đã thành công", bà khẳng định.

Hơn 1 năm sau, bà nghe loáng thoáng từ tổ chức ta thắng trận lớn ở Điện Biên Phủ. Tin này khiến bà nhẹ nhõm phần nào vì nghĩ đến hai khả năng: một là địch sẽ trao đổi, hai là sẽ thủ tiêu các tù nhân. Theo kinh nghiệm của bà, việc thủ tiêu dễ xảy ra hơn vì số tù nhân quá đông.

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954), một buổi sáng tháng 5, bà được gọi tên trong danh sách trao trả tù binh. NSƯT Phi Điểu kể lại: "Chúng tôi nhìn nhau với nửa mắt vui mừng, nửa mắt lo sợ - không biết là được trao trả hay sẽ bị thủ tiêu. Đến gần trưa, sau khi phải ngồi dưới nắng, họ báo những người được gọi tên sẽ được trao đổi với phía bên kia. Thật may mắn khi biết mình được trao trả".

Thời khắc lịch sử 30/4/1975

Sau khi được trao trả, tổ chức cử NSƯT Phi Điểu ra Hà Nội để học tập vì lo ngại bà sẽ tiếp tục bị bắt nếu hoạt động cách mạng tại Sài Gòn. Tại Hà Nội, cơ duyên đặc biệt đưa bà đến với cải lương. Ban đầu, bà không hề biết gì về cải lương, gia đình cũng không ai theo nghệ thuật này, chỉ đơn giản vì được tổ chức phân công.

Gắn bó với nghề cải lương hơn 10 năm, bà cùng đoàn biểu diễn nhiều vở được Sở Văn hóa Hà Nội đánh giá cao. Điều đáng ngạc nhiên là người miền Bắc lại rất thích cải lương Nam Bộ.

Khoảng năm 1972, bà sang Trung Quốc công tác gần 2 năm. “Thời điểm diễn ra chiến dịch Điện Biên Phủ trên không khi Hà Nội bị Mỹ ném bom ác liệt, chúng tôi phải sang Trung Quốc để mượn đài phát thanh tuyên truyền thông tin về cuộc chiến tranh phi nghĩa của đế quốc Mỹ cho các nước bạn nắm được, nhằm kêu gọi sự ủng hộ chính nghĩa đối với Việt Nam”, NSƯT Phi Điểu kể lại.

Khi chiến tranh đi vào giai đoạn cuối, bà đang làm việc tại Đài Tiếng nói Việt Nam.

Những ngày tháng 4/1975 khiến trái tim bà thổn thức không ngừng. Đất nước đứng trước ngưỡng cửa lịch sử và hàng giờ, hàng phút trôi qua trong nỗi hồi hộp chờ đợi tin chiến thắng.

Untitled 6.jpg

NSƯT Phi Điểu lúc trẻ.

Là phát thanh viên của Đài Tiếng nói Việt Nam, NSƯT Phi Điểu được cập nhật tin tức chiến trường trước tiên. Mỗi ngày bà đều theo dõi tình hình, bộ đội đánh tới đâu, giải phóng tới đâu. Mọi người nóng lòng từng giây phút. Có khi đọc tin chiến thắng, họ mừng đến nỗi quên cả ăn uống.

"Chúng tôi túc trực bên radio, không bỏ sót bất kỳ bản tin nào. Mỗi thông tin về một địa phương được giải phóng lại thêm một niềm hy vọng, một nguồn sức mạnh cho chúng tôi và nhân dân cả nước", bà nhớ lại.

Khoảnh khắc thiêng liêng nhất đến vào lúc 11h30 ngày 30/4/1975, khi bà nghe đồng nghiệp đọc tin chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng vang lên khắp các ngõ phố Hà Nội, qua những chiếc loa phường. Trong khoảnh khắc thiêng liêng khi bà được truyền đi tin vui chiến thắng, cũng là những giây phút đầy xúc động khi nghĩ đến những hy sinh to lớn để có được ngày hôm nay.

NSƯT Phi Điểu nhớ mãi hình ảnh có người ôm cột đèn mà khóc. Họ vừa nghe, vừa khóc, không chỉ vì niềm vui chiến thắng mà còn vì nỗi nhớ quê hương, nhớ người thân đã bao năm xa cách. Bà cũng mong chờ ngày này để được trở về miền Nam ruột thịt.

Hành trình trở về và đoàn tụ

Sau ngày giải phóng, khát khao cháy bỏng trỗi dậy trong lòng mỗi người con xa xứ là trở về quê hương. 21 năm xa cách gia đình - giờ đây cánh cửa đoàn tụ đã mở ra.

"Thời điểm sau thống nhất đất nước, ai cũng xin về Nam. Ai cũng mong được trở về xứ sở gặp lại gia đình. Lúc đó, tâm trạng tôi cũng nhiều lo lắng, hồi hộp", NSƯT Phi Điểu kể. Bà may mắn được phân công về Đài Phát thanh TPHCM và chính thức trở về tháng 9/1975. 

Untitled 5.jpg

Sau 50 năm ngày đất nước thống nhất, mái tóc đã điểm bạc nhưng ánh mắt NSƯT vẫn sáng ngời và tâm huyết với nghệ thuật.

Cuộc chiến tranh tàn khốc đã chia rẽ gia đình bà. NSƯT Phi Điểu, cha và em trai tập kết ra Bắc, trong khi mẹ, chị gái và hai em hoạt động ở miền Nam. Bà đau xót kể lại rằng ngày mẹ qua đời do bệnh tim, bà không hề hay biết vì lúc ấy thư từ báo tin rất khó khăn. Phải mất hơn 10 năm, có những lá thư từ Sài Gòn chuyển qua Pháp rồi gửi ngược lại Hà Nội, bà mới biết mẹ đã mất.

Trong trái tim, cha bà luôn thường trực nỗi lo lắng rằng chị và các em sẽ bị cuốn vào vòng xoáy của các thế lực khác. Sau này ngày đất nước thống nhất, gia đình NSƯT Phi Điểu đoàn tụ, không một ai làm điều gì đi ngược lại con đường cách mạng của Đảng hay phản bội lại lý tưởng cao đẹp của Bác Hồ. Đó là niềm tự hào của cha bà khi ông còn sống.

Theo VietNamNet

Năm tháng tù đày , ký ức NSƯT Phi Điểu